16 Di tích trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (III)

11/11/2022 | 1953

Thành phố Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứng minh cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến. Theo đó khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần, đến Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung), chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa (phường Hiến Nam); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi), đình- chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam).  

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của khu di tích Phố Hiến xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Hưng Yên và thành phố Hưng Yên tiếp tục huy động các nguồn vốn thực hiện dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến, gắn với phát triển du lịch theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch để phát triển du lịch gắn với di tích. Nâng cao chất lượng cán bộ chuyên môn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch... Ngày 28/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2156/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (gọi tắt là Ban Quản lý khu di tích). Theo đó, Ban Quản lý khu di tích trực thuộc UBND thành phố Hưng Yên, là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng quản lý, khai thác, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

16 di tích trong khu di tích quốc gia đặc biệt phố hiến là những di tích tiêu biểu, là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, là điểm nhấn cho phát triển du lịch ở thành phố Hưng Yên.

12ĐỀN BÀ CHÚA KHO

Đền Bà Chúa Kho có tên chữ là Thương Tỉnh linh từ hay đền Gốc Sanh. Đền tọa lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng thuộc đường Điện Biên III, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Ngôi đền nằm ẩn mình dưới bóng cây sanh, cây đa cổ thụ tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm, u tịch và cổ kính.

Đền Bà Chúa Kho thờ bà Lê Bạch Nương, một mỹ nhân trung quân ái quốc thời Lê. Bà là người con gái có nhan sắc, giỏi văn chương, tinh thông võ nghệ lại xuất thân dòng dõi Hoàng tộc. Khi giặc phương Bắc xâm lược nước ta, bà được giao phụ trách coi giữ kho ngân khố quốc gia ở Vĩnh Ty Đồn (thành phố Hưng Yên ngày nay). Bà đã cùng quân sỹ quyết tử, lấy máu mình vẩy khắp vựa bạc để bảo vệ kho ngân không rơi vào tay giặc. Bà anh dũng hy sinh khi tuổi đời chưa đến ba mươi. Sau khi bà mất, nhân dân địa phương đã lập đền tôn thờ bà, nhà vua ban sắc và tặng phong mỹ tự cho ngôi đền là “Thiên phủ chư tích” (nơi tích trữ ngân khố).

Căn cứ vào tư liệu hiện còn lưu giữ thì đền Bà Chúa Kho xây dựng từ thời Lê tại khu Nhà Thành và có quy mô rộng lớn. Do biến cố lịch sử, cuối thế kỷ XIX ngôi đền được di chuyển ra vị trí hiện nay. Tổng thể kiến trúc đền Bà Chúa Kho kiểu chữ Nhị gồm 03 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Các hạng mục, cấu kiện kiến trúc còn tương đối đồng bộ, trang trí nhiều mảng chạm khắc hoa văn mềm mại với các đề tài dân gian quen thuộc như: Tứ linh, tứ quý, hoa dây cách điệu…

Nghi môn Đền Bà Chúa Kho

Khu thờ chính Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho còn bảo lưu được nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị như: 02 đạo sắc phong thời Nguyễn, trâm bạc, lục bình sứ,… đặc biệt là bộ tượng đồng được tạo tác vào thế kỷ XVII.

Hàng năm, vào ngày mồng 01 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động tế lễ, dâng hương và một số trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà… thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Đây cũng là dịp để du khách hòa mình vào không khí trang nghiêm, thành kính của các nghi lễ truyền thống cùng các trò chơi dân gian đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Với những giá trị tiêu biểu, đền Bà Chúa Kho được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014.

13- ĐỀN CỬU THIÊN HUYỀN NỮ

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là đền Bắc Hòa hay Cửu Thiên cung tọa lạc trên phố Bắc Hòa, tổng Yên Tảo, huyện Kim Động xưa; nay thuộc đường Điện Biên II, phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ thờ Đức Thánh Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, là vị thánh có công giúp đỡ nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan, được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Ngài còn được gọi là Cửu Thiên Nương Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương, hoặc nói gọn Oa Huỳnh, Huyền Nữ, là một vị nữ thần trong truyền thuyết thần thoại của Trung Quốc, về sau được Đạo giáo tin tưởng trở thành một vị nữ thần nổi danh trong hàng nữ tiên. Ngoài ra,  đền còn phối thờ các vị Long mạch Thổ thần, người cai quản vùng đất này và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công cùng với quân dân nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.

Mặt tiền Đền Cửu Thiên Huyền Nữ

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại (năm 1937). Hiện nay, ngôi đền mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn với tổng thể các hạng mục kiểu chữ Công (), mặt tiền hướng Tây gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tòa Tiền tế 03 gian được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, liên kết bộ vì theo kiểu kèo cầu quá giang trốn cột khá đơn giản. Tòa Trung từ được xây dựng theo kiểu cuốn vòm - là một trong những kiểu kiến trúc đặc thù của các di tích thuộc quần thể khu di tích Phố Hiến. Ở vị trí cao nhất của Trung từ là khám thờ Tam tòa Thánh mẫu, gồm: Mẫu Thượng thiên - vị thần cai quản miền trời, Mẫu Thượng ngàn - vị thần cai quản miền rừng núi và Mẫu Thoải - vị thần cai quản miền sông nước. Đây là ba vị chúa được nhân dân Phố Hiến tôn thờ với mục đích cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, rừng vàng biển bạc, hoa trái xum xuê. Phía dưới Tam tòa Thánh mẫu là ban thờ Ngũ vị quan lớn, bao gồm: Quan lớn đệ nhất Thượng thiên, Quan lớn đệ nhị Thượng ngàn, Quan lớn đệ tam Thoải phủ, Quan lớn đệ tứ Khâm sai, Quan lớn đệ ngũ Tuần tranh.

Nối tiếp tòa Trung từ là 03 gian Hậu cung, các bộ vì được liên kết theo kiểu “Kèo cầu quá giang”, các cấu kiện được bào trơn, không có trang trí hoa văn. Tại gian trung tâm Hậu cung đặt khám thờ đức Cửu Thiên Huyền Nữ. Tượng Đức Thánh đặt trong khám lớn có niên đại khá muộn, xong những mô tuýp trang trí tại đây vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc như: lưỡng long chầu mặt trời, hổ phù, tứ linh, tứ quý và sen dây cách điệu.

Hằng năm, đền Cửu Thiên Huyền Nữ diễn ra lễ hội vào các ngày mồng 03 tháng 3, ngày 20 tháng 8 và ngày mồng 09 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần được tôn thờ. Xưa, vào những ngày hội chính (ngày 9/9 âm lịch), người dân địa phương tổ chức những trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, tổ tôm điếm, cờ biển… Ngày nay, trong lễ hội có nhiều hoạt động như tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ được người dân nơi đây diễn xướng hội như: hát chèo, hát quan họ…

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày  31/8/2010 xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh. Và ngôi đền là một trong 16 điểm di tích thuộc khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

14ĐÔNG ĐÔ QUẢNG HỘI - THIÊN HẬU CUNG

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung được xây dựng tại trung tâm phố Hiến Hạ khi xưa, nay thuộc khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Nơi đây là minh chứng cho thời kỳ phát triển hưng thịnh của mảnh đất Phố Hiến nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Đông Đô Quảng Hội là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài để mua bán, hợp đồng xuất nhập khẩu, định giá hàng hoá, điều hành các thương vụ ở Phố Hiến thế kỷ XVI - XVII, đồng thời đây cũng là trụ sở giao tiếp của người đồng hương Trung Hoa. Ngoài ra, nơi đây còn tôn thờ Tam Thánh là: Thần Thái y có công cứu nhân độ thế và dạy dân trồng các dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh, Thần Hoa Quang dạy dân làm các nghề thủ công và Thần Nông dạy dân làm ruộng, trồng trọt và chăn nuôi.

Phía bên trái Đông Đô Quảng Hội là Thiên Hậu cung, thờ bà Lâm Tức Mặc, người làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà là vị thần biển của người Hoa, có lòng nhân đức cứu giúp dân lành, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bà được tôn vinh là thần Hàng Hải, được người dân ca ngợi, kính cẩn lập đền, mở phủ nhiều nơi để tôn thờ.

Cụm di tích được khởi dựng vào thế kỷ XVI (1590) trên khu đất rộng rãi, khoáng đạt. Toàn bộ nguyên vật liệu, đồ tế khí do 14 dòng họ thuộc ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến (Trung Quốc) quyên góp, vận chuyển sang bằng đường biển và được các thương nhân cùng người dân Phố Hiến cất dựng lên. Trải qua thời gian, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung vẫn là công trình độc đáo giữ được nguyên nét kiến trúc Trung Hoa như lời Giáo sư Trần Lâm Biền đã nhận định: Đối với các hội quán có sự đóng góp của người Hoa, phải khẳng định rằng, cho tới nay không một hội quán nào có gốc Hoa ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước còn giữ được những bộ phận kiến trúc và nghệ thuật mang niên đại vào thế kỷ XVII - XVIII như của Hưng Yên - Đông Đô Quảng Hội.

Tam quan Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung

Hiện nay, Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung đều có bố cục tổng thể  kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công gồm 3 gian Tiền tế, 01 gian Thiên hương và 3 gian Hậu cung, kết cấu các bộ vì theo kiểu giá chiêng con nhị. Hiện tại, cụm di tích còn bảo lưu được kiến trúc tương đối đồng bộ, hài hòa, mang đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa đan xen với kiến trúc cổ truyền của người Việt. Đây là cụm di tích thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Phố Hiến xưa.  

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung còn lưu giữ nhiều đồ tế tự quý như: bát hương, bia đá, bát men Lam Ngọc thời Càn Long, đèn đồng thế kỉ XVII, bộ ngũ sự bằng đồng thau… cùng hệ thống câu đối, đại tự, ngai thờ có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao.

Hàng năm, lễ hội tại Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung được tổ chức vào các ngày 23 tháng 3, ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của Thánh Mẫu Lâm Tức Mặc; ngày 10 tháng 10 âm lịch kỷ niệm ngày lễ đản của Tam Thánh đế. Đây là lễ hội mang sắc thái độc đáo riêng, là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Trung Hoa với văn hóa Việt. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như: bánh Dong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Từ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật còn hiện hữu, Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung là một trong 16 di tích thuộc khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là “Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

15- ĐÌNH - CHÙA HIẾN

Đình, chùa Hiến tọa lạc tại Phố Hiến hạ thuộc trung tâm Phố Hiến xưa, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Đây là một trong những di tích tiêu biểu thuộc quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.   

Đình, chùa Hiến có tên chữ là Thiên Ứng tự, tên nôm là Hoa Dương hay Hoa Giang. Tuy nhiên, tên gọi phổ biến nhất vẫn là đình, chùa Hiến được định danh từ thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông đặt trị sở Hiến ty tại vùng đất này, mở đầu cho  thời kỳ hưng thịnh của Phố Hiến thế kỷ XVI - XVII.

Tương truyền, chùa Hiến được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần và được trùng tu, tôn tạo lớn vào thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1892). Chùa Hiến là nơi thờ Phật và Quan Âm Nam Hải nhằm khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức cũng như thể hiện sự cầu mong cho các thuyền buôn đến nơi đây được thuận buồm xuôi gió.

Nghi môn Đình Hiến

Chùa Hiến có kiến trúc tổng thể theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc” gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Tam bảo, hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu. Tòa Tiền đường 5 gian 2 chái, các bộ vì được liên kết theo kiểu chồng rường đấu sen, chạm khắc bong kênh hổ phù, rồng cách điệu… Nối tiếp tòa Tiền đường là 03 gian Thiêu hương có kết cấu kiểu chồng diêm, các bộ vì tạo tác kiểu vì kèo trụ trốn. Tiếp đến là 03 gian Tam bảo có lối kiến trúc đơn giản. Đây là nơi thờ chính và đặt nhiều tượng thờ có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu phải kể đến tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại khoảng 300 năm được tạo tác ở tư thế ngồi thiền với tám đôi tay kết ấn được bố trí hài hòa, đăng đối.

Mặt tiền Chùa Hiến

Lễ hội truyền thống Đình Hiến

Phía trước sân chùa Hiến là cây nhãn Tổ còn gọi là nhãn Tiến hay nhãn tiến Vua có tuổi gần 400 năm. Đây là một trong những sản vật quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Phố Hiến - Hưng Yên. Năm 1992, hội làm vườn Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guinness ngôi chùa có cây nhãn Tổ quý hiếm và độc đáo ở Việt Nam.

Cây nhãn Tổ quý hiếm tại sân Chùa Hiến

Đình Hiến nằm liền kề với chùa Hiến là nơi thờ quan Thái giám họ Du - nội thị trung thành của Dương Quý Phi, vị Thánh mẫu được tôn thờ tại di tích đền Mẫu. Ông là người giàu lòng nhân nghĩa, có công lập nên làng Hoa Dương, truyền dạy nhân dân nơi đây nghề canh nông, thủ công, trồng dâu nuôi tằm… Ông cũng góp phần tập trung những người Hoa đến nơi đây buôn bán, để sau này Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất ở Đàng Ngoài. Sau khi mất, ông được người dân nơi đây lập miếu phụng thờ.

Theo truyền ngôn, đình Hiến được khởi dựng từ khá sớm, quy mô ban đầu còn nhỏ, trải qua các triều đại phong kiến, ngôi đình nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đình Hiến có kiến trúc tổng thể kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung, liên kết các bộ theo kiểu chồng rường giá chiêng, các nét chạm khắc mỹ thuật tương đối đồng bộ, mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian đình, chùa Hiến như một minh chứng lịch sử về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Hiện nay, đình - chùa Hiến còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng thờ, bát hương, câu đối, đại tự… với nội dung phong phú và có giá trị lịch sử, mỹ thuật cao. Đặc biệt là hai tấm bia đá tại sân chùa Hiến có niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) và Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), nội dung ghi lại quá trình tụ cư, phát triển và tên gọi các phường, thị của thương cảng Phố Hiến xưa. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, một trong những cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá và khảng định sự phát triển của Phố Hiến xưa với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Hằng năm, từ ngày mồng 9 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống đình, chùa Hiến với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của cư dân nơi đây. Vào dịp mồng 10 tháng Chạp là ngày giỗ của Đức Đại Vương quan Thái giám họ Du cũng thu hút đông đảo nhân dân, khách thập phương về xum họp, tri ân công lao của vị Thành Hoàng và tổ họ khai sáng lập làng.

Đình, chùa Hiến là một trong những cụm di tích thuộc quần thể di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014. Đây là cơ sở quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái và tạo đà cho du lịch tâm linh của thành phố Hưng Yên ngày càng phát triển.


16CHÙA NỄ CHÂU (THỤY ỨNG TỰ)

Chùa Nễ Châu có tên chữ là Thụy Ứng tự tọa lạc tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, thờ Mẫu và thờ Tổ; nơi khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân, tích đức để vươn tới một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra, ngôi chùa còn gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành.

 Tương truyền: Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở vùng đất Nễ Châu để chống quân xâm lược nhà Tống, thấy bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nết na, xinh đẹp đã lấy làm vợ, phong bà làm Chính thất phu nhân, xây "Ngọc Dinh Thự" tại chợ Nễ và mời cha mẹ bà về ở cùng. Thời gian đó, việc nước chưa xong, Lê Hoàn còn phải xông pha chiến trận. Bà Ngọc Thanh đã ở lại Nễ Châu chu cấp lương thực, tiền bạc cứu đói nhân dân và giúp Lê Hoàn chiêu mộ binh sỹ.

Sau khi thống nhất đất nước, Lê Hoàn lên ngôi đã quay trở lại Nễ Châu đón bà về kinh. Nhưng bà xin ở lại quê hương để phụng dưỡng cha mẹ. Lê Hoàn rất cảm động đã cử Giới Quốc công về xây dựng chùa cho bà làm nơi tu hành và cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu Trung Quốc đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom bà. Sau khi bà mất, nhà vua thương tiếc đã cho lập đền thờ phía trước cửa chùa Nễ Châu và sắc phong bà làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”.

Tam quan Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thế kỷ X, quy mô ban đầu còn nhỏ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa hiện nay mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê đan xen Nguyễn với tổng thể kiến trúc kiểu "Nội Công ngoại Quốc", gồm các hạng mục như: Tam quan chồng diêm hai tầng tấm mái, 07 gian Tiền đường, 04 gian Thượng điện, 04 gian nhà Tổ và hai dãy hành lang, … Các công trình kiến trúc còn tương đối đồng bộ, vững chắc với nhiều mảng chạm khắc trang trí hoa văn có giá trị về mặt lịch sử văn hóa và mỹ thuật.

Phía trước chùa Nễ Châu là đền thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Ngôi đền được xây dựng ngay sau khi bà mất. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo hiện nay đền có quy mô kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung, các hạng mục mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn.

Chùa Nễ Châu còn bảo lưu được chuông đồng, khánh đá, 03 bức ván gió, tượng Tuyết Sơn cùng bộ tượng Tam thế phật rất có giá trị, mang đậm tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê.

Hàng năm, chùa Nễ Châu thường tổ chức lễ hội vào các ngày 15 tháng Giêng, ngày 15 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh, ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh và ngày 10 tháng 9 kỷ niệm ngày mất của Trung Quốc Đại vương Lê Long Kính.

Chùa Nễ Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992 và là một trong 16 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014. 

                   Phương Thu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)

 

 




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.