Đền Trần

08/05/2017 | 7962

Di tích Đền Trần, phường Quang Trung, TP Hưng Yên

Đền Trần

Đền Trần nằm trên đường Bãi Sậy - phường Quang Trung - thị xã Hưng Yên ngày nay và là trung tâm của Phố Hiến xưa. Tương truyền mảnh đất này trước đây là nơi đóng quân của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, thấy rằng đây là nơi hội tụ của 3 dòng sông: sông Hồng, sông Châu Giang và sông Luộc, đoạn trước cửa đền có tên gọi là Phú Lương (tên cổ của sông Hồng) nên ông đã chọn nơi đây làm căn cứ.

 

Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) trong một gia đình quý tộc người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định (nay là Bảo Lộc- Mỹ Phúc, ngoại thành Nam Định). Cha Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Vua Trần Thái Tông, mẹ Trần Quốc Tuấn là Nguyệt Vương Phi. Trần Quốc Tuấn đã hai lần tham gia lãnh đạo (lần thứ hai và ba) quân và dân ta chống lại giặc Nguyên Mông xâm lược. Ông là người văn võ song toàn, tri thức quân sự uyên thâm, kết hợp với tinh thần yêu nước nồng nàn, Ông đã góp công lớn vào việc tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi, đưa khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam tiến lên một bước. Trần Hưng Đạo là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc, một thiên tài quân sự, một danh nhân văn hoá lớn mà tên tuổi và sự nghiệp của ông sống mãi với lịch sử dân tộc. Ông mất ngày 20/8/1300 (Âm lịch) tại Vương Phú - Vạn Kiếp - Chí Linh - Hải Dương.

Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông nhân dân địa phương đã lập đền thờ. Đền Trần được khởi dựng từ đời Trần, ban đầu quy mô nhỏ, trải qua các triều đại đều được trùng tu, tôn tạo. Đến thời Nguyễn được trùng tu với quy mô lớn và kiến trúc như ngày nay. Năm 1992, Đền Trần được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm: Tiền tế, trung từ và hậu cung. Từ ngoài vào là cổng nghi môn xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa vòm cuốn, trên cổ diêm ghi 4 chữ: “Kiếm Khí Đẩu Quang” (tinh thần yêu nước toả sáng); phía dưới cửa cuốn đề: “Trần Đại Vương từ” (Đền Trần Đại Vương).

Toà đại bái gồm 5 gian, kết cấu kiến trúc kiểu vì chồng rường giá chiêng, các con rường được chạm hình đầu rồng cách điệu, gian giữa treo bức đại tự "Thân hiền tại vọng” (Ngưỡng vọng người hiền tài). Nối tiếp đại bái là 5 gian trung từ, kiến trúc vì kèo quá giang đơn giản, bào trơn đóng bén, không có hoa văn. Phía tiếp giáp với hậu cung treo bức đại tự: “Công đức như Thiên” (Công đức của thánh rộng lớn như trời). Giáp với trung từ là ba gian hậu cung, thờ Trần Hưng Đạo và toàn bộ gia thất của ông.

 

Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức vào ngày 20/8 và ngày 8/3 âm lịch, để tưởng nhớ tới ngày mất của ông và ngày chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Trước đây, vào lễ hội, mỗi chi giáp phải đóng góp 1 con lợn để cúng tế. Trong ngày hội, các Tiên Chỉ, Phó Lý đều tập trung đông đủ tại Đền làm lễ, cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân được yên ấm làm ăn. Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn, ngoài tổ chức rước kiệu du quanh thị xã còn tổ chức thi bánh dày, bánh chưng, thu hút đông đảo khách thập phương về dự lễ hội.

Đền Trần là di tích tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá của nhân loại. Đền Trần có ý nghĩa rất lớn với Phố Hiến nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung. Vì vậy đền sẽ được đầu tư quy hoạch trở thành điểm du lịch văn hoá với mục đích giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân ta từ xa xưa./.

Theo baohungyen.vn




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.