Sáng ngày 26/10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hưng Yên tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạọ; Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phạm Huy Bình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hưng Yên. Cùng dự có đồng chí Lương Công Chanh- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí trong BTV Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố.
Trực tiếp truyền đạt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, Tiến sỹ Bùi Xuân Việt - Giảng viên cao cấp Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nền giáo dục mang tính Nhân dân. Đó là nền giáo dục quốc dân có mục đích tu dưỡng nhân cách con người từ ngay trong quá trình trưởng thành và với tất cả mọi đối tượng. Tư tưởng của Người về giáo dục - đào tạo thể hiện ở giáo dục toàn dân, giáo dục toàn diện và giáo dục suốt đời. Đây có thể xem là 3 nội dung cơ bản bao quát toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng là hướng đích của quản lý giáo dục nước nhà trong suốt những năm qua.
Tại hội nghị cũng đã sơ kết kết 05 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ. Qua 05 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hưng Yên trong điều kiện có nhiều thuận lợi, song cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong 02 năm học (2020-2021 và 2021-2022) bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành GD&ĐT thành phố đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy tắc ứng xử quy định tại Thông tư 06/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, cơ sở giáo dục (mục tiêu 100%). 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng (mục tiêu 90%). Số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học: Giai đoạn 2018-2020 đạt trên 95% (mục tiêu 90%); Giai đoạn 2020-2023 đạt trên 98% (mục tiêu 90%). Số trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; góp phần xây dựng văn hóa trong nhà trường: Giai đoạn 2018-2020 đạt 90% (mục tiêu 90%); Giai đoạn 2020-2023 đạt 95% (mục tiêu 95%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thành phố còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như: Một số cán bộ quản lý nhà trường khi giao tiếp với cấp dưới sử dụng ngôn ngữ nặng nề, cứng nhắc, áp đặt. Từ đó tạo ra không khí nặng nề, căng thẳng trong công việc; Phê bình cấp dưới không đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ, thiếu tế nhị, gây tâm lý căng thẳng dễ dẫn đến mặc cảm và gây hiểu lầm lẫn nhau; Một số giáo viên đôi lúc còn phát ngôn chưa thật sự chuẩn mực, trong các cuộc họp có lúc phát biểu không tuân theo điều hành của chủ trì cuộc họp, quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội; Một số nhà trường đã xảy ra đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo phức tạp vượt cấp kéo dài; cá biệt có giáo viên mâu thuẫn gây mất đoàn kết nội bộ, có giáo viên vi phạm pháp luật… làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Huy Bình phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Huy Bình đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố, các trường học trên địa bàn thành phố đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn thành phố. Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học. Hiệu trưởng các nhà trường triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp liên quan; chịu trách nhiệm về công tác xây dựng và thực hiện giáo dục văn hóa ứng xử, văn hóa học đường đối với đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, học sinh trong toàn trường. Các nhà trường cần ban hành các quy định về văn hóa ứng xử lồng ghép vào các quy định, quy chế của nhà trường. Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa của học sinh thông qua việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết phù hợp với lứa tuổi để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp cho học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục góp phần trong công tác thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thiết thực, thường xuyên, hiệu quả.
Nguyễn Minh Ngân
Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy,
Giám đốc Trung tâm Chính trị thành phố