Khai mạc lễ hội truyền thống Đền Mây

25/12/2018 | 2577

Ngày 22/12/2018 (tức ngày 16 tháng 11 âm lịch), Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến long trọng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền Mây. Về dự lễ, dâng hương và chung vui với địa phương có đồng chí Lương Công Chanh - Uỷ viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban dân vận Thành ủy, đồng chí Vũ Văn Thuần- Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Toàn cảnh lễ hội

         Đền Mây tọa lạc tại khu phố Đằng Châu- phường Lam Sơn, thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, tự là Phạm Phòng Át, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Ông xuất thân trong gia đình nông dân, quê ở Đằng Châu, xã Ngọc Đường, nay thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có sức khoẻ hơn người, tính tình cương trực thẳng thắn. Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên đã đặt tên ông là Bạch Hổ.

         Phạm Bạch Hổ từng làm Hào trưởng đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ. Năm Đinh Dậu (937), Phạm Bạch Hổ đã đem 1.000 quân đến hợp binh với Ngô Quyền tại thành Gia Viễn, ông được Ngô Quyền tin yêu, giao nắm binh quyền. Chính ông đã có công lớn trong việc bảo vệ vương triều Ngô Quyền, tiêu diệt Kiều Công Tiễn một kẻ phản phúc định âm mưu cầu cứu quân Nam Hán đang lăm le xâm lược nước ta.

          Phạm Bạch Hổ đã góp công lớn cùng chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm Mậu Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. Phạm Bạch Hổ luôn trung thành với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.

          Khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt cả nước cùng nổi lên cát cứ, Phạm Bạch Hổ đã trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, cửa ngõ quan trọng vào thành Đại La, cai quản một vùng đất đai rộng lớn, giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, đất bồi để sản xuất nông nghiệp. Phạm Bạch Hổ là thủ lĩnh của 1 trong 12 xứ quân cát cứ vùng Đằng Châu lúc bấy giờ.

          Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn, lên ngôi, tức là vua Đinh Tiên Hoàng, Phạm Bạch Hổ được phong là Thân vệ Đại tướng quân, ông đã góp sức củng cố triều đại Đinh, Lê.

          Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Vua Lê Hoàn đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại phong kiến đều phong tặng ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”.

Các đại biểu thắp hương tại buổi lễ

 

          Phạm Bạch Hổ được nhân dân ngưỡng mộ lập đền, thờ phụng ông ở nhiều nơi, nhưng lớn hơn cả là đền Mây thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, nơi đã sinh ra ông.

          Đền Mây được xây dựng cạnh bến Lảnh, cũng gọi là bến đò Mây và gần chợ Vạn Cổ. Trước cửa đền là cây đa cổ thụ, trồng từ lần đầu xây dựng Đền, nay đã gần 1.000 năm tuổi.

          Đền Mây là di tích còn bảo lưu được nhiều cổ vật, qua nhiều lần trùng tu, đền hiện có kiến trúc hình chữ Tam, cung trong thờ tướng quân, cung giữa thờ 4 vị tướng , cung ngoài là gian đại bái.

          Lễ hội đền Mây tổ chức hàng năm thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương, dự hội.

Thùy Linh – Công Hiếu (Đài Truyền thanh thành phố)

 




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.