Lê Đình Kiên – người mở mang, cai quản Phố Hiến

22/09/2017 | 3495

Lê Đình Kiên sinh năm 1621 tại làng Thiết Đanh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ con tần tảo nuôi nhau. Sau làm con nuổi ông Tả tướng Hờn người huyện Tĩnh Gia cùng tỉnh.

Lê Đình Kiên làm quan dưới thời Lê – Trịnh. Lúc này chúa Trịnh chuyên quyền, ngôi vua chỉ còn là hư vị, chiến tranh Trịnh – Nguyễn liên miên, nhân dân đói khổ, loạn lạc khắp nơi. Từ trấn Sơn Nam trở ra đến vùng Đông Bắc bị giặc quấy phá nhiều nhất, trộm cướp nổi lên như rươi. Triều đình đã cử nhiều tướng tài, quan giỏi ra cai trị nhưng đều bất lực.

                                             Tranh phác họa một góc thương cảng Phố Hiến xưa
 
 
Năm Giáp Thìn (1664), ông vâng lệnh triều đình ra làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Công lao lớn nhất của ông là dẹp yên quân Tàu ô và mở mang Phố Hiến, được phong Đặc tiến phụ Thượng tướng quân, trung quân đô đốc phủ, hữu đô đốc thiếu bảo, tước quận công, hàm Thái bảo. Sau khi chết được tặng Dực bảo trung hưng Đại vương.
 
Lê Đình Kiên không những có tài về cai trị mà con giỏi về làm thương nghiệp, ngoại giao. Suốt 40 năm ông ở trấn Sơn Nam ( từ 1664- 1704), dân sông yên vui, no đủ. Lúc ông mất, cả người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến đều dựng bia ghi công ông. Hiện nay ở Phố Hiện có 2 tấm bia, một do người địa phương dựng vào năm 1727, một do trưởng tài Nam Hải là Trần Đế Đào, người Phúc Kiến ( Trung Quốc) dựng năm 1723. Nội dung 2 bia cơ bản giống nhau, đều ca ngợi công đức của ông, coi ông ngang với những bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa.
 
Trong bia dựng năm 1723 có đoạn: “ Chúng tôi vượt bể sang Nam theo nghề buôn bán, tàu thuyền qua lại thường lấy Vạn Lai Triều làm bến, nên từ ngày nuôn bán tới nay đã vài mươi năm, vui về nghề nghiệp, kẻ gần thì sùng, người xa thì tới, đều là nhờ Anh Linh Vương, tức đức Thái Bảo họ Lê không biết bao giờ hết. ngài yêu dân như con, có mẹo dẹp giặc, lại tiết kiệm trong việc chi dung đỡ tốn của dân. Tấm lòng yêu nước, trung vua của ngài dù em bé lên ba trong nước cũng đều ca ngợi”.
 
Còn văn bia của nhân dân địa phương thì ghi: “ Ông xem dân như con, xử kiện công băng. Lúc xét kiện tụng ông giữ đức ngay thẳng. Đến những việc như xây dựng đền đài, đê đường, cầu cống, kho tàng, ông không tư lợi mà lại lo cho dân không chịu nổi nên đã từng đặt ra phép luân phiên và giữ phép trữ dung ( để dành dùng nhiều lần) để cho đỡ sức nhân dân và đỡ tốn của dân. Chính trị công bằng, hình phạt giảm bớt, già trẻ gái trai ai cũng kính phục tấm lòng ông, cảm mến cái đức coi ông như con hiếu với cha hiền”.
 
Lê Đình Kiên ổn định xã hội, dẹp giặc, trộm cướp không chỉ bằng pháp luật, mà còn bằng cả tấm lòng bao dung nhân ái. Những người dân trước đây vì đói kém, loạn lạc, phải tha phương cầu thực, lưu tán các nơi, ông cho tập trung lại, cho đất lập làng, tạo điều kiện làm ăn sinh sống. Những người Trung Hoa chạy loạn nhà Thanh sang ta, ông chiêu dụ lại, cấp đất cho làm ăn. Ông tập trung nhiều công sức xây dựng Phố Hiến thành nơi phồn hoa đô hộ nên đương thời có câu: “ Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ông còn động viên nhân dân trồng nhiều nhãn, một loại cây đặc sản của Hưng Yên. Bản thân ông cũng trồng, ở trước sở lỵ nay vẫn còn một cây.
 
Là người có tài về chính trị, quân sự, ngoại giao, ngoại thương nên ông được vua chua trọng dụng, được thay mặt triều đình giao thiệp và cộng tác với các thương điếm ngoại quốc đến buôn bán ở Phố Hiến như Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha…..
 
Lê Đình Kiên nổi tiếng là người có tài xét kiện. Bọn trộm cướp truyền tin nhau không dám quấy phá khu vực ông cai quản, có nhiều kẻ có tội gặp ông để đầu thú và xin hứa hoàn lương. Việc kiện tụng nhờ đó cũng tinh giảm.
 
Chuyện cũ kể lại rằng khi ông mới ra làm thủ trấn Sơn Nam, ông đã giải quyế một số vụ án trong đó có vụ điều tra xử kiện được truyền tụng khắp vùng: Một tên lái buôn người nước ngoài thấy vợ người phường chèo xinh đẹp bèn dụ xuống thuyền ca hát, hắn chuốc rượu cho người chồng say khướt rồi đem người vợ giấu đi. Người chồng tỉnh rượu không thấy vợ thì hắn nói vợ anh đã lên bờ từ lâu. Anh chồng tìm mãi không thấy bèn đến tìm ông nhờ điều tra, ông cho bắt ba tên nghi là thủ phạm, giam mội đứa một nơi, đềm đồ ra tra tấn để dọa, chúng không chịu nhận, ông sai đánh hai tên thật đau, còn tên thứ 3 giam ở xa cho nhìn thấy. Sau đó ông gọi tên kia ra mắng rắng: Bọn kia đã nhận tội rồi, mày còn giấu giếm chối cãi nữa thôi. Vừa nói ông vừa đưa tờ giấy bảo: Đây là lời khai của tên kia, tên này hoảng sợ khai hết sự tình. Tên lái buôn phải cúi đầu nhận tội, trả lại vợ cho anh phường chèo và chịu phạt 70 dật bạc ( 1 dật bằng 24 lạng).
 
Năm 1704 ông mất, thọ 84 tuổi, nhân dân thương tiếc lập miếu thờ gọi là miếu Anh Linh Vương, miếu này nay không còn. Hiện nay nhà thờ ở làng Thiết Đanh, quê hương Lê Đình Kiên ở Thanh Hóa vẫn còn lưu hai câu đối ca ngợi công đức của ông:
Đại đức tứ dân, danh tại sử
Sinh vi lương tướng tử vi thần
Nghĩa:
Đức ở trong dân, danh lưu sử sách
Sống là ông tướng tốt, chết thành thần
Và:
Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh tuế tích
Tại nhân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh
Nghĩa:
Việc cai trị công bằng và liêm chính mãi mãi tiếng ghi sử sách
Đức lớn cho dân cậy, cả Việt Nam lẫn Trung Hoa danh khắc vào đá vàng
 
Theo Danh nhân Hưng Yên 



© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.