Ngày 17/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đền Mẫu. Dự khai mạc Lễ hội có đồng chí Lương Công Chanh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Doãn Quốc Hoàn – Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Dương Công Nhiệm - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy; đồng chí Trương Quốc Trân - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Vũ Quang Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố; đồng chí Bùi Tuấn Anh – Phó Chủ tich UBND thành phố.
Các đồng chí đại biểu dự khai mạc Lễ hội Đền Mẫu năm 2024
Đền Mẫu tọa lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên thờ bà Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, Vua và Hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Bị giặc đuổi sát Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được Nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ.
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Đền Mẫu được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu và phong tặng nhiều lần. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền được trùng tu lớn và có quy mô kiến trúc như ngày nay. Năm 1990, Đền Mẫu Hưng Yên đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Đền được xây trên thế đất “Ngọa Long” nhìn ra hồ Bán Nguyệt với không gian rộng rãi, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy”. Cổng Nghi môn của Đền Mẫu Hưng Yên khá bề thế, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao uốn cong. Cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, hai cột trụ trên đỉnh có đắp 2 con sấu chầu vào cửa. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán “Thiên Hạ mẫu nghi”.
Qua Nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ với tuổi đời hơn 700 năm, được kết hợp bởi 3 cây sanh, đa, si quấn lấy nhau vững chắc, rủ bóng um tùm quanh Đền Mẫu Hưng Yên, càng tăng thêm vẻ trang nghiêm, u tịch. Đây là một trong những cây cổ thụ lâu đời nhất Bắc Bộ.
Tòa Đại bái của Đền gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu tám mái lợp ngói vẩy rồng, các đao mái uốn cong kiểu rồng chầu. Các con rường, đấu sen, trụ chạm hình lá hoa, rồng, phượng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên tòa Đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn.
Tòa Tiền đường cũng gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hoành phi, câu đối, đồ tế tự, tán lọng, cờ, y môn, giá cắm đồ binh khí, kiệu bát cống, long đình được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Nóc được đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, đao rồng chầu, phượng múa tinh xảo.
Hậu cung gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường con nhị với 12 cột cái, 6 cột quân, các bức cốn chạm hoa lá mềm mại, bộ cửa bức bàn chạm lộng mai cúc. Bên trong có tượng Dương Quý Phi với nét mặt đôn hậu, cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị , niên đại thế kỷ 17-18.
Ngoài ra, trong Đền Mẫu Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di vật quý như long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, ca ngợi tấm gương trung tiết của Dương Quý Phi.
Các đồng chí đại biểu dâng hương tại lễ hội
Hàng năm, Lễ hội đền Mẫu ở Hưng Yên được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng 3 âm lịch, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Phần tế lễ diễn ra long trọng. Phần hội có các trò chơi giân dan, giao lưu văn nghệ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và vui chơi giải trí của Nhân dân địa phương và du khách tập phương,./.
Nguyễn Hồng – Công Hiếu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)