Được coi là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân. Thời gian qua, các cấp Hội nông dân thành phố đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.
Là một trong những hợp tác xã đầu tiên của thành phố đưa quả nhãn lên bán trên các sàn thương mại điện tử, đồng chí Vũ Quang Điện, giám đốc HTX nhãn lồng Tiên Châu Phố Hiến ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam cho biết: Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2020 HTX đã ký hợp đồng với các sàn thương mại điện tử Post mart và vo so để quảng cáo sản phẩm nhãn của các hội viên HTX, nhờ vậy đã tiêu thụ được trên 100 tấn nhãn. Năm 2022, HTX tiếp tục tiêu thụ trên 70 tấn nhãn thông qua các sàn thương mại điện tử, viettel post và shopee với giá bán dao động từ 22 - 23 nghìn đồng/kg. Theo đồng chí Điện, để nâng cao giá trị quả nhãn, HTX đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm - Vietgap để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhờ vậy đầu ra cho quả nhãn luôn đảm bảo.
Câu chuyện quả nhãn xuất ngoại của Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam là niềm tự hào của bà con nông dân nơi đây. Bởi đây là Hợp tác xã đầu tiên của thành phố đưa quả nhãn xuất khẩu thành công sang một thị trường khó tính như nước Đức.
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc nhãn theo hướng hữu cơ nên vụ nhãn năm 2022, HTX có 1 tấn nhãn được đánh giá đạt 821 chỉ tiêu, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Đức với giá 70.000 đồng/kg. Đây là tiền đề và cũng là động lực để vụ nhãn 2023, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ từ 1,5ha lên 5ha, đồng thời duy trì các biện pháp chăm sóc nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có thể đưa sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương ngày càng vươn xa trên thị trường thế giới.
Nhận thức tầm quan trọng cũng như lợi ích mà công nghệ số mang lại, vài năm trở lại đây các cấp hội nông dân thành phố đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh và thành phố về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh được Hội nông dân thành phố bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất, như trang bị những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử... Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong từng hội viên, các chi, tổ hội nghề nghiệp, để tham gia chủ động, hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số một cách phù hợp nhất.
Bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất... Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Để giúp nông dân thích ứng với xu thế thị trường, các cấp HND thành phố đã tranh thủ phối hợp sở, ngành, địa phương vận động nông dân liên kết sản xuất, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị.
Hội nông dân thành phố đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho một số hội viên nông dân xã Trung Nghĩa xây dựng mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các CLB trồng cây Cam tại xã Quảng Châu, phường Lam Sơn; các CLB chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại xã Hùng Cường, Phú Cường, Hoàng Hanh...Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho một số hội viên nông dân: Phối hợp Viettel Post Hưng Yên; Bưu điện Việt Nam đưa đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên đi khắp 63 tỉnh thành trên cả nước và giới thiệu sản phẩm măng tây xanh của HTX Nông nghiệp xanh Hồng Nam và các sản phẩm nông nghiệp trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn; sàn Postmark.vn. Phối hợp với Viettel Post Hưng Yên, Đảng ủy–UBND xã Hồng Nam, các HTX tại xã Hồng Nam tổ chức Hội thảo giải pháp đưa sản phẩm hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Voso.vn thúc đẩy phát triển kinh tế số xã Hồng Nam... tổ chức tham gia các hội trợ triển lãm hàng nông sản tại các khu vực nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩn của người dân đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới Hội nông dan thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm...Đây cũng là cơ hội để người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, từ đó ra tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, chất lượng nông sản địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế...
Thu Trang (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)