Sự chuyển mình của nông nghiệp Hưng Yên

14/12/2016 | 1938

Sau 20 năm tái lập tỉnh, đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1997 – 2016 đạt 3,3% năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2016 đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 5,26 lần.

Năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh, Hưng Yên vẫn là tỉnh thuần nông, nhưng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn với qui trình kỹ thuật và khoa học kỹ thuật nên năng suất và chất lượng chưa cao, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu. Chính vì vậy tỉnh đã có nhiều chủ trương để tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy hoạch; đầu tư cho công tác thủy lợi, đê điều… đảm bảo phục vụ sản xuất. Ông Hoàn Văn Thịnh, Nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết: "Lúc đó tỉnh ta đầu tư tập trung vào thâm canh lấy giống là tiền đề, phân bón là cơ bản, chăm sóc là quyết định. Sản xuất tuy còn manh mún nhưng nông dân tiếp thu khoa học kỹ thuật rất nhanh. Về mặt chăn nuôi có phong trào "nạc hóa đàn lợn" và "Shin hóa đàn bò" là tỉnh rất quan tâm. Giải quyết được vấn đề khâu giống" Bằng giải pháp khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới để loại bỏ các giống lúa năng xuất, chất lượng kém sang các giống vừa có năng suất lại có chất lượng cao. Đưa diện tích cấy giống lúa chất lượng và có giá trị kinh tế cao từ 14,6% năm 1997 lên 61 % năm 2016. Bên cạnh đó, cơ cấu giống, trà vụ đã đẩy mạnh chuyển đổi sang chủ yếu gieo cấy trà lúa xuân muộn, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Phương thức gieo cấy cũng thay đổi bằng gieo thẳng và cấy bằng mạ non, mạ nền cứng, nên năng suất lúa tăng nhanh, năm 1997 đạt 10,2 tấn/hécta/năm, đến 2016 đạt trên 12,8 tấn/hécta/năm. Nhờ thực hiện tốt việc dồn ô đổi thửa và chuyển đổi ruộng đất, vì vậy kinh tế trạng trại, gia trại được chú trọng đã phát triển, phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 800 trang trại đạt tiêu chí của liên Bộ. Nhiều trạng trại cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa theo mô hình “cánh đồng lớn” trồng lúa, cây vụ đông, câu ăn quả vv.... Diện tích cây ăn quả tăng nhanh từ trên 8 nghìn ha năm 1997 lên 9.500ha năm 2016; chuyển đổi theo hướng tăng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị, hiệu quả sản xuất cao, cho lãi trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt đã đầu tư quan tâm đến các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế từ 4 đến 5 00 triệu đồng/ héc ta/ năm như trồng nghệ, trồng dưa nhà lưới, trồng nhãn đặc sản. Đến nay giá trị thu nhập 1 héc ta canh tác đạt 162 triệu đồng/ 1 héc ta. Ông Nguyễn văn Thế, HTX Nhãn lồng Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho biết: " Sau khi chuyển đổi đất cấy sang mô hình trang trại tôi thấy rất hiệu quả. Nhờ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cho cây nhãn tôi thấy nhãn không ra hoa cách năm, chất lượng nâng lên rõ rệt. Qua đó bà con có được thu nhập rất ổn định, khoảng 700 triệu trên 1 ha 1 năm. Chăn nuôi phát triển khá toàn diện, đã thực hiện tốt chương trình nạc hóa đàn lợn, sin hóa đàn bò, đưa tỷ lệ nạc hóa đàn lợn tăng lên 80%, sind hóa đàn bò đạt 100%, tỷ lệ bò lai 3 máu đạt trên 40% tổng đàn. So với năm 1997, đến nay đàn lợn của tỉnh tăng gần 2 lần, đàn gia cầm tăng 1,6 lần, nâng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 130,8 nghìn tấn/năm, tăng 3,6 lần. Từ tái lập tỉnh đến nay đã xây dựng được 15 trạm bơm đưa vào phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi đã đáp ứng tưới chủ động khoảng 45.000ha, đạt 90% diện tích, tiêu chủ động 67.000ha, đạt 82% diện tích. Hệ thống đê điều được tu bổ thường xuyên, bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân sinh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến hết năm 2016, bình quân toàn tỉnh đạt 16,1 tiêu chí/xã, có 60 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí . Trong đó đã có 44 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Khẳng định về vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển của tỉnh, ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Ngành nông nghiệp của chúng ta không những tạo công ăn việc làm cho bà con, tăng thu nhập còn cung cấp nguyên, nhiên liệu cho công nghiệp chế biến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Những năm qua ngành nông nghiệp đã có những nghị quyết, giải pháp, chủ trương để lãnh đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa hiệu quả cao. Các chương trình đề án của ngành đang phát huy rất hiệu quả trong phát triển nông nghiệp của tỉnh". Đưa ra một số giải pháp trong phát triển nông nghiệp thời gian tới, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: "Khảo nghiệm, lựa chọn giống cây, con cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh là phương pháp tốt nhất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần chú trọng tham mưu cho Tỉnh ủy, ủy ban khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, tạo những liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản, tiến tới xuất khẩu".

Nguồn: hungyentv.vn

 

 

 




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.