"VietGap hóa " nông sản ở thành phố Hưng Yên

16/11/2018 | 2287

Là thủ phủ của tỉnh nhưng thành phố Hưng Yên lại không có nhiều thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ như một số địa phương khác mà lại có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp như diện tích đất ngoài bãi màu mỡ, hệ thống sông, hồ bao quanh thành phố, khí hậu ôn hòa…. Nhận thức rõ điều này, những năm qua thành phố đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển trồng cây đặc sản trên đất bãi, nuôi thả thủy sản trên sông, trồng rau màu, chăn nuôi gia súc lớn… Đặc biệt thành phố đã hướng dẫn người dân đầu tư sản xuất nông sản theo quy trình VietGap. Chính vì vậy nhiều loại cây ăn quả của địa phương đã được nâng tầm hình ảnh, chất lượng và cả giá trị.

Ở thành phố Hưng Yên hiện đã có 2 loại nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể đó là Nhãn lồng Hưng Yên và Cam Quảng Châu. Trong đó diện tích nhãn được quy hoạch trồng theo tiêu chuẩn VietGap tập trung tại xã tại các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng với tổng diện tích hơn 113 ha; diện tích cam VietGAP tập trung tại Quảng Châu với diện tích hơn 32 ha.

Về Quảng Châu, thành phố Hưng Yên những ngày cuối năm này, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh nông dân rộn ràng thu hoạch cam. Trên các tuyến đường liên xã, ô tô, xe máy tấp nập qua lại, vận chuyển cam đi tiêu thụ. Cam Quảng Châu đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap đồng thời tiến hành dán tem cho sản phẩm cam quả tươi từ năm 2017. Chính vì vậy cam Quảng Châu đã chính thức “đặt chân” vào các nhà hàng, siêu thị lớn trong cả nước như Fivimart, Hapro mart...  Vụ cam năm 2017, toàn xã đã thu khoảng 970 tấn cam, mang lại giá trị thu trên 1 ha canh tác từ 300-350 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần trồng ngô. Vụ cam năm nay sản lượng cam của xã tiếp tục tăng lên, ước đạt hơn 1000 tấn. Từ trồng cam nhiều hộ dân địa phương đã thoát nghèo, trở thành những nông dân tiêu sản xuất kinh giỏi tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hải, ông Dương Văn Dũng, ông Dương Văn Quang, ông Nguyễn Văn Tấn…. Đặc biệt đối với các hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGap, giá trị thu từ quả cam đã tăng lên thấy rõ. Các lái buôn, đại diện các siêu thị, công ty thương mại… đều lựa chọn các hộ trồng cam VietGap để ký kết thua mua. Từ những lợi ích thực tế đó mà hiện nay không chỉ vùng quy hoạch mà các hộ gia đình nhỏ lẻ trên địa bàn xã cũng đã đăng ký thực hiện trồng theo quy trình Vietgap với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm của gia đình. Ông Dương Văn Dũng- thôn 1, xã Quảng Châu trồng hơn 1 mẫu cam theo quy trình VietGap cho biết: “Trồng cam VietGap mặc dù phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về lượng phân bón và thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng được quả vừa có mẫu mã đẹp, lại ngon, sạch, giá bán cao hơn. Dù vất vả hơn nhưng tôi vẫn sẽ tuân thủ theo đúng quy trình để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…”

Những vườn can sai trĩu quả ở xã Quảng Châu

Niềm vui cam được mùa

Cam là loại cây trồng mới được thành phố triển khai sản xuất theo quy trình VietGap nhưng nhãn thì đã được áp dụng từ khá lâu. Bởi đây là một trong những cây trồng truyền thống ở Hưng Yên, diện tích trồng khá lớn, lại có tiếng trên thị trường và cho giá trị kinh tế cao. Nếu như ban đầu chỉ có hơn 10 ha của xã Hồng Nam đăng ký và được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP thì đến toàn thành phố đã có hơn 113 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và có chỉ dẫn địa lý. Trong số này có nhiều diện tích đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trên thực tế vài năm trở lại đây, diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây có quả đạt cao, sâu bệnh gây hại ít, mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán cao hơn so với diện tích nhãn trồng theo phương thức truyền thống. Năm 2018, sản lượng nhãn toàn thành phố đạt gần 15.000 tấn, doanh thu gần 600 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ được tiêu thụ trong nước và xuất tiểu ngạch hiện nay nhãn Hưng Yên, trong đó có không ít sản phẩm nhãn của thành phố Hưng Yên đã vươn tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.… bằng đường chính ngạch. Hiện thành phố đang hỗ trợ các hợp tác xã trồng nhãn xây dựng các nhà lạnh để bảo quản nhãn quả tươi, để có thể đưa nhãn chất lượng tốt nhất  đến với người tiêu dùng. Theo đánh giá của ngành chuyên môn và nông dân, so với nhãn trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, một sào nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP chi phí lao động thấp hơn 150 nghìn đồng, năng suất nhãn quả cao hơn 40kg, thu lãi cao hơn khoảng 2 triệu đồng. Bà Trần Thị Bắc - Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu chia sẻ: “Từ khi triển khai trồng theo tiêu chuẩn VietGAP giá trị của quả nhãn đã tăng lên đáng kể. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng và có quy cách, quy mô lớn hơn. Người trồng nhãn chúng tôi không còn bị tư thương ép giá như trước kia. Rất nhiều hộ gia đình tự nguyện xin vào hợp tác xã và chủ động trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGap…”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

thăm vùng nhãn xuất khẩu ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên

Thu hoạch nhãn ở xã Hồng Nam

Cùng với các sản phẩm đã được chứng nhận và tạm gọi là “có tiếng” trên thị trường, thành phố Hưng Yên hiện nay đang đẩy mạnh sản xuất thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Xuất phát từ lợi thế có dòng sông Hồng, sông Luộc chảy bao quanh thành phố, từ tháng 3 năm 2016, hợp tác xã thủy sản sạch Hưng Hải, có địa chỉ tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên đã được thành lập với 5 hộ tham gia. Ông Lê Ngọc Thắng- Phó Giám đốc Hợp tác xã thủy sản sạch Hưng Hải chia sẻ: các hộ thành viên xác định đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo nguồn thực phẩm thủy sản sạch cho bà con nhân dân. 5 hộ tham gia đã thả 5 bè cá với tổng số 56 lồng. 90% số lồng được nuôi cá lăng, còn lại là trắm và chép.

Tận dụng dòng chảy của sông Hồng, cộng với sự chăn nuôi bài bản, sau 1 năm, hợp tác xã đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm được rất nhiều nhà hàng, khách sạn đến đặt hàng. Nhiều khi sản lượng còn không đủ để cung cấp cho thị trường. Mỗi vụ, hợp tác xã xuất bán khoảng 100 tấn cá. Với giá bán buôn 70.000 - 100.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000 - 150.000 đồng/kg, hợp tác xã đạt doanh thu 5 - 6 tỷ đồng/ năm.Trước khi thu hoạch, hợp tác xã đều gửi mẫu cá đi test thử, cá bảo đảm không tồn dư thuốc kháng sinh mới được cung cấp ra thị trường. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của hợp tác xã hiện nay là Hải Dương, Hà Nam và Hà Nội. Ông Thắng cho biết thêm: “Chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “sạch” trong sản xuất nên đến nay sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hy vọng của chúng tôi là mang được sản phẩm sạch nhất đến người tiêu dùng, đồng thời xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch uy tín cho thành phố Hưng Yên”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố thăm mô hình cá lồng

trên sông của HTX thủy sản sạch Hưng Hải

      Nhìn rõ tiềm năng, lợi thế cũng như hiệu quả của mô hình, hiện nay trên địa bàn thành phố đã phát triển thêm nhiều hộ nuôi thủy sản sạch trên sông với tổng số hơn 200 lồng, trở thành địa phương có số lồng cá nuôi trên sông nhiều nhất tỉnh.

      Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng vùng đất bãi phì nhiêu, một số xã trên địa bàn thành phố  đã chuyển sang chăn nuôi bò thịt, bò sữa và bò sinh sản theo quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố hiện có khoảng hơn 12.500 con bò các loại, tập trung chủ yếu tại các xã như Hùng Cường, Phú Cường, Quảng Châu, Lam Sơn… Đặc biệt là Phú Cường đã có đến hơn 80% hộ dân trong xã nuôi bò với tổng số hơn 6000 con. Nuôi bò thịt không chỉ không chỉ phát huy tiềm năng đất bãi, giải quyết được bài toán việc làm cho những lao động già cả, phụ nữ chân yếu tay mềm ở địa phương; đồng thời còn tận dụng được hết phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, gốc lạc, phụ phẩm xay xát... Nuôi bò đã thực sự mang lại cơm no áo ấm cho người dân nơi đây. Tuy nhiên gần đây, bò Úc ồ ạt nhập vào Việt Nam đã gây ra khó khăn không nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm bò thịt. Để hỗ trợ người chăn nuôi, mới đây xã đã thành lập hợp tác xã chăn nuôi bò Phú Cường, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó xây dựng một quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và lợi nhuận cho các thành viên. Ông Đào Văn Thắng- Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi bò Phú Cường cho biết: “Để việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao hơn, chúng tôi xác định trước hết các hộ xã viên phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi sạch, sau đó mới có cơ hội tiếp cận các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ mà các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, dần dần hình thành “liên kết 4 nhà” trong việc chăn nuôi bò ở Phú Cường, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất”.

Mô hình chăn nuôi bò thịt của hộ gia đình anh Đào Văn Thắng-  xã Phú Cường

Cùng với các sản phẩm nông sản đặc sản, thành phố vẫn duy trì đẩy mạnh phát triển trồng rau sạch, cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Xã Trung Nghĩa là địa phương có truyền thống canh tác rau màu hiệu quả ở thành phố Hưng Yên,  đã sớm đưa rau sạch vào sản xuất từ những năm 2012. Từ 5 sào rau sạch ban đầu, giờ đây ngoài diện tích hơn 3 ha rau sạch được trồng tập trung đã được cấp chúng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã chủ động áp dụng trồng rau sạch nhằm xây dựng thương hiệu cho gia đình cũng như địa phương.

Khu nhà lưới trồng rau sạch của Công ty cổ phần rau củ quả Việt - Nhật ở thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên

      “VietGAP hóa" nông sản đã tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho ngành nông nghiệp thành phố nói chung, bà con nông dân nói riêng, giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất từ tự phát sang có quy trình bài bản, đồng thời giải quyết những khâu khó trong bài toán tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đó là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, ngoài các mặt hàng đã và đang được khẳng định thương hiệu, thành phố cũng đang đưa các ngành nghề sản xuất nông nghiệp có tiềm năng khác như chăn nuôi lợn, trồng chuối… vào “tầm ngắm” VietGAP hóa nhằm giúp người chăn nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất. Nói về mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch của thành phố, ông Doãn Quốc Hoàn- Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hưng Yên cho biết:Nhận thấy lợi thế để địa phương phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tập trung trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, sự ưu tiên, quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp đã trở thành yếu tố tiên quyết tạo đòn bẩy để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa cho nông dân. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm xây dựng nền nông nghiệp sạch ở thành phố”. 

      Đây cũng là mục tiêu được đặt ra trong Đề án số 02-ĐA/ThU ngày 21/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hưng Yên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng bền vững giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020 thành phố phấn đấu xây dựng được 8 vùng chuyên canh cây trồng tập trung, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu này đang được thành phố hiện thực hóa. Các loại cây ăn quả, các sản phẩm chăn nuôi nơi đây ngày càng khẳng định được thương hiệu và giá trị. Những cố gắng, nỗ lực của cả chính quyền và người dân đã dần được đền đáp; việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt được nhiều thành tựu; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đã giúp nhiều người nông dân trở thành triệu phú ngay từ chính làng quê mình; còn thành phố Hưng Yên đang dần trở thành “địa chỉ thực phẩm xanh” trên thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới.

                           Thùy Linh- Công Hiếu (Đài Truyền thanh thành phố)




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.