Ngày 23/10 (tức ngày 9/9 âm lịch), Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khánh thành trùng tu, tôn tạo và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền Cửu Thiên Huyền Nữ. Dự buổi Lễ có Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung Ương giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Hiện - Ủy viên Ban Trị sự Trung Ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đồng chí Phạm Huy Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hưng Yên; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện Ban Quản lý một số di tích trong và ngoài tỉnh. Về phía lãnh đạo thành phố Hưng Yên có đồng chí Lương Công Chanh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND thành phố; lãnh đạo các phường, xã cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Các đại biểu dự buổi lễ
Đền Cửu Thiên Huyền Nữ là một trong 16 di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là đền Bắc Hòa hay Cửu Thiên cung tọa lạc trên phố Bắc Hòa, tổng Yên Tảo, huyện Kim Động xưa, nay thuộc đường Điện Biên, phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ thờ Đức Thánh Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, là vị thánh có công giúp đỡ Nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan, được Nhân dân tôn làm Thành hoàng. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, ngôi đền mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Do xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp, đầu năm 2023, ngôi đền được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng hơn 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhân dịp lễ hội Truyền thống đền Cửu Thiên Huyền Nữ, Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức khai mạc Lễ hội đồng thời cắt băng khánh thành việc trùng tu, tôn tạo di tích.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tại buổi lễ
Hằng năm, đền Cửu Thiên Huyền Nữ tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 9/9 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần được tôn thờ. Trong lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ đón nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương, tế lễ./.
Các đại biểu dâng hương tại Đền Cửu Thiên Huyền Nữ
Nguyễn Hồng – Công Hiếu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)