Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hưng Yên

14/05/2019 | 1581

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nền nông nghiệp của thành phố Hưng Yên phát triển, trong những năm qua, thành phố Hưng Yên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, thành phố Hưng Yên có điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng cho phát triển sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn, cây cam. Thành phố có gần 4 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm gần 54% tổng diện tích đất tự nhiên. Hiện thành phố đã hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản và trồng rau màu như vùng chuyên canh cây nhãn, vùng trồng cam, trồng chuối, trồng rau an toàn... Đây là các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.  

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thành phố Hưng Yên đã xây dựng Đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng bền vững giai đoạn 2016- 2020. Thực hiện thành công đề án là góp phần xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Hình thành và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần giúp bà con nông dân tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Để thực hiện thành công đề án, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Tiến Doanh- Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Trong thời gian qua thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân  trên địa bàn thành phố sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, cụ thể đã hỗ trợ về giống, vốn, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức và cá nhân có sản phẩm nông nghiệp…”.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ nông dân, thành phố cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên môn của thành phố và các thành viên hợp tác xã, các chủ trang trại với các nội dung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ngành nghề nông nghiệp, luật hợp tác xã, xúc tiến thương mại và kỹ năng đàm phán thương lượng hợp đồng sản xuất, kinh doanh. Sau hơn hai năm triển khai thực hiên đề án, đến nay thành phố đã xây được 4 vùng chuyên canh cây trồng tập trung đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; có trên 100 mô hình kinh tế gia trại, trang trại làm ăn có hiệu quả; chuyển đổi cây trồng được trên 350 ha đất nông nghiệp; thành lập thêm 1 công ty; 7 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật cùng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống.  

Trung Nghĩa là địa phương có diện tích trồng rau màu lớn nhất thành phố, với kinh nghiệm sản xuất của bà con nông dân mỗi năm thu được khoảng 140 triệu đồng/ha. Trong khi đó cCng ty cổ phần rau, củ, quả Nhật Việt với mô hình trồng rau, củ, quả, sạch ở thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa đã áp dụng công nghệ Nhật Bản vào sản suất nên lợi nhuận cao hơn gần 2 lần so với cách thâm canh truyền thống, chất lượng rau đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP, Anh Vũ Đình Thuấn -  Giám đốc công ty cổ phần rau, củ, quả Nhật Việt cho biết: “Công ty rau, củ, quả Nhật Việt một năm sản xuất từ 28 đến 30 loại rau tất cả, công ty áp dụng một số phương pháp mới như kamakami của Nhật Bản, tổ chức Jaka hướng dẫn và một số đề tài của trường đại học Nông nghiệp đã đem lại hiệu quả như nhân công giảm bớt, chất lượng rau tăng lên, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm rất nhiều, công ty sản xuất theo tiêu chí 5 sạch: đất sạch, nước sạch, giống sạch, quy trình gieo trồng sạch và thu hoạch, bảo quản  sạch. Mỗi một ha một năm cho lợi nhuận từ 220 đến 250 triệu đồng… ”

Thành phố hiện có gần 1000 ha trồng nhãn, trong đó có gần 200 ha trong vùng VietGap. So với nhãn thâm canh theophương pháp truyền thống thì mỗi ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGap đạt năng suất cao hơn khoảng 1 tấn, chi phí lao động giảm, chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap, giá thành sản phẩm cao hơn. Một số hợp tác xã  nhãn lồng đã đầu tư nhà xưởng, máy móc để giúp các hộ trồng nhãn trong vùng VietGap chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn lồng sau thu hoạch, do đó lợi nhuận thu được cao hơn khoảng 100 triệu đồng/ha.

Gia đình anh Nguyễn Quốc Việt ở xã Bảo Khê mới đầu chỉ trồng cây dược liệu (cà gai leo) xuất bán thô cho các công ty dược, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, anh đã mở rộng diện tích lên 2 ha, đồng thời liên kết với các hộ  trong thôn tang diện tích lên 10 ha, không dừng lại ở đó ông đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, vật tư, phương tiện, đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến cây cà gai leo thành trà cà gai leo đóng túi xuất bán ra thị trường, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc thu hoạch cây. Anh Nguyễn Quốc Việt- chủ cơ sở sản xuất trà cà gai leo Minh Châu cho biết “Từ việc bước đầu xuất cà gai leo dạng thô cho các công ty dược, cho thu khoảng 300 triệu đồng/ha. Tôi nhận thấy rằng đầu ra rất là ổn định, tuy nhiên đêm lại hiệu quả kinh tế chưa phải là cao nhất, vì vậy chúng tôi tiến hành đầu tư một số trang thiết bị, áp dụng công nghệ cao, kết hợp với các bài thuốc cổ truyền, chúng tôi cho ra những sản phẩm trà thì thấy được hiệu quả  hơn hẳn, mỗi một ha sau khi chế biến ra thành sản phẩm cuối cùng tới tay người tiêu dùng, giá trị cao gấp 3 lần so với việc xuất thô truyền thống. Trong tương lai chúng tôi sẽ đầu tư thêm một số trang thiết bị mới nữa để hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khó tính ở trong nước cũng như một số thị trường ở nước ngoài…”.

Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã và đang từng bước đổi mới và phát triển, giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH- HĐH. Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân tiết kiệm được sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại 4.0 hiện nay.

Thực hiện thành công Đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng bền vững chính là đòn bẩy để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Song để xây dựng được nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ gặp phải nhiều khó khăn như đại đa số người dân còn xa lạ với khái niệm nền nông nghiệp công nghệ cao; việc tiếp cận với các thông tin khoa học còn hạn chế; Phải đầu tư một lượng kinh phí nhất định... Dẫu biết rằng để xây dựng được nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ là cả một chặng đường dài, song các mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần được nhân rộng để cải thiện sức lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Sự phát triển của nông nghiệp không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hưng Yên.

                           Hồng Thái (Đài Truyền thanh thành phố)




© 2016 Copyright by VNPT Hưng Yên.