Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini. (Ảnh: DW)

Bản kế hoạch trên do quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini soạn thảo, dựa trên đề xuất của hai nước thành viên là Pháp và Đức, cũng đã đề cập tới việc tăng cường khả năng sẵn sàng hành động quân sự của EU trong trường hợp thiếu vắng vai trò của Mỹ.

Sau khi được phê chuẩn, bản kế hoạch an ninh và quốc phòng mới này sẽ trở thành kim chỉ nam trong chiến lược toàn cầu của EU và đóng vai trò nền tảng cho chính sách đối ngoại và an ninh của liên minh này trong những năm tới.

Kế hoạch an ninh và quốc phòng mới chỉ rõ 3 ưu tiên của EU, gồm: phản ứng trước những cuộc xung đột và khủng hoảng bên ngoài, xây dựng khả năng phối hợp, bảo vệ liên minh và các công dân của EU. Bên cạnh đó, bản kế hoạch này cũng được cho là đã vạch rõ một đường lối hành động cụ thể, cho phép EU và các nước thành viên thực hiện các kế hoạch đã đề ra, dựa trên cơ sở bổ sung các quy định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, bản kế hoạch này cũng bác bỏ việc xây dựng một lực lượng quân đội mới của châu Âu và hình thành các trụ sở quân sự của EU tại Brussels (Bỉ).

Dự kiến, bản kế hoạch này sẽ được đệ trình lên lãnh đạo chính phủ và các nước EU trong khuôn khổ phiên họp Hội đồng châu Âu (EC) diễn ra vào tháng 12/2016.

Được biết, tiến trình thảo luận về bản kế hoạch an ninh và quốc phòng mới của EU đã bị trì hoãn do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, song đã được đẩy nhanh tiến độ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng. Các nhà hoạch định chính sách của EU lo ngại rằng, một Tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ sẽ có nguy cơ làm “đứt gãy” những cam kết của Mỹ đối với NATO trừ khi các nước đồng minh châu Âu gia tăng ngân sách quốc phòng. Từ năm 1949 cho tới nay, Mỹ đã thông qua NATO để bảo vệ an ninh cho các nước châu Âu.

Phát biểu trước báo giới sau phiên họp ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã miêu tả bản kế hoạch mới này là một “bước tiến lớn” trong quan hệ quốc phòng giữa các nước châu Âu. “Cho dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có ra sao, thì một thực tế rõ ràng đối với chúng ta rằng châu Âu phải gánh vác thêm trách nhiệm” – bà Leyen nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault lại cho rằng bản kế hoạch quốc phòng và an ninh mới là một “bước tiến quan trọng về phía trước” đối với châu Âu, đồng thời thể hiện rằng liên minh này đã có thể tự đưa ra những quyết định quốc phòng trong một thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn./.